Spencer Ames 2/19/19
Vương quốc Khmer (thế kỷ 12 – 13): Vua Jayavarman VII và Hoàng Hậu Indradevi.
Lần đầu tiên tôi gặp những tàn tích của các vương quốc cổ đại Campuchia trong một chuyến du lịch cùng gia đình cách đây nhiều năm. Anh trai tôi và tôi đang trèo qua những dây leo rậm rạp và những rễ cây khổng lồ quấn lấy những tảng đá chạm khắc cổ xưa. Tượng Phật ở mỗi di tích đều được chạm khắc tinh xảo, hầu hết các pho tượng đó đều bị mất đầu hoặc mòn vẹt đến mức gần như không thể nhận ra theo thời gian và bởi rừng rậm um tùm. Bản thân tôi là một Phật tử và những tàn tích này đã nhắc nhở trong tôi một điều gì đó rất sâu sắc. Một nghiên cứu nhỏ của tôi vào thời điểm đó về những tàn tích tuyệt vời này đã gợi ý rằng nơi đây đã từng thực hành Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa.
Mười hai năm trôi qua và tôi đã chuyển đến sống tại Campuchia trong một năm, và sự tò mò ban đầu của tôi lại trỗi dậy. Trong thời gian sống ở đó, tôi đã đi sâu nghiên cứu bất cứ điều gì tôi có thể tìm thấy về Phật giáo cổ đại và hiện đại ở Campuchia và phát hiện ra mối liên hệ đáng ngạc nhiên với truyền thừa Drikung Kagyu của Phật giáo Tây Tạng.
Vào thế kỷ 12-13 ở Campuchia, và thậm chí có lẽ vài thế kỷ trước đó, các Mật điển Heruka của Hevajra và Chakrasamvara đã được truyền đến vương quốc Khmer ở Campuchia. Có rất ít thông tin về các truyền thống Kim Cương thừa này còn tồn tại cho đến nay, do tính chất bí mật của các giáo lý, và cũng bởi sự đàn áp và tiêu diệt gần như hoàn toàn Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa bởi các vị vua Tiểu thừa, Hindu giáo và Cộng sản sau đó.
Bài viết này tóm tắt ngắn gọn những thông tin chúng ta có được về lịch sử thực hành Hevajra ở Campuchia từ thời Vua Jayavarman VII cho đến nay. Nguồn tham khảo chính của tôi là nghiên cứu của Peter D. Sharrock, cũng như một chút khám phá cá nhân của tôi về chủ đề này khi sinh sống ở Campuchia. Tôi rất biết ơn về nghiên cứu khảo cổ và lịch sử mẫu mực của Sharrock về Kim Cương Thừa ở Campuchia và xin được chia sẻ với bất kỳ ai muốn tìm hiểu sâu hơn ngoài phạm vi của bài viết này đối với nghiên cứu ban đầu của ông.
Jayavarman VII là một Phật tử thuần thành và ngay từ khi vua bắt đầu cai trị, Phật giáo Đại thừa đã trở thành quốc giáo. Trước đó chỉ có một vị vua Phật giáo, và sau đó, nơi đây chủ yếu là Phật giáo Nguyên Thủy.
Jayavarman nổi danh là người đã đưa Campuchia lên đỉnh cao của uy quyền và giàu có, đồng thời, ông cũng cho xây dựng nhiều đền thờ, bệnh viện, trường học và những nơi thực hành tôn giáo hơn bất kỳ vị vua nào khác. Vợ vua là Hoàng Hậu Indradevi cũng là một người rất quan trọng với Phật giáo và văn hóa Campuchia, và một số nhà nghiên cứu cho rằng, bà đóng vai trò quan trọng trong sự tín tâm nơi Phật Pháp của Vua Jayavarman. Bà được coi là người rất thông minh, là một nhà thơ và là một chuyên gia. Bà đã giảng dạy cho các nữ sinh tại mỗi ngôi trường đặt trong 3 ngôi chùa.
Vào đầu triều đại của mình, Vua Jayavarman VII đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa và tu viện Đại Thừa hùng tráng thờ tự Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Kinh Bát Nhã Ba La Mật cũng như các bệnh viện [như một phần công hạnh của] Đức Phật Dược Sư.
Trong thời gian trị vì sau đó, vua tiếp tục xây dựng thêm các ngôi đền cũng như mở rộng những ngôi đền ban đầu, tuy nhiên trong giai đoạn sau này, dường như vua chú trọng hơn vào Kim Cương thừa, đặc biệt các ngôi chùa thờ Đức Kim Cang Tát Đỏa và Cực Hỷ Kim Cương (Hevajra). Một ví dụ của giai đoạn sau này là ngôi đền Bayon, nơi có những ngọn tháp với bốn khuôn mặt của Đức Phật to lớn nhìn ra bốn hướng. Có nhiều giả thuyết khác nhau về những khuôn mặt này, một số người tin rằng đây chính là khuôn mặt của Đức Quán Thế Âm với diện mạo của các vị vua được tổng hợp lại.
Peter Sharrock, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Kim Cương thừa ở Campuchia đã trình bày một trường hợp thuyết phục rằng Kim Cang Tát Đỏa là ví dụ rõ ràng nhất về việc Vua Jayavarman chuyển hướng sang Kim Cương thừa. Do tất cả các ghi chép và hầu hết các hình ảnh đã bị phá hủy, các nhà sử học không rõ điều gì thay đổi ở Campuchia vào thời gian đó khiến Vua Jayavarman chuyển hướng sang Kim Cương thừa, nhưng có bằng chứng rõ ràng rằng việc thực hành Mật điển du già cao cấp nhất của Hevajra là một điểm sáng trong triều đại của Jayavarman.
Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất minh chứng cho trường hợp này là rất nhiều tượng đồng Hevajra đã khai quật được tại cung điện hoàng gia ở Angkor Thom. Người ta đã tìm thấy hơn một trăm bức tượng Hevajra bằng đồng của người Khmer.
Trong đó, một số pho là Bổn Tôn Hevajra đứng đơn lẻ, và một số bức tượng Hevajra được bao quanh bởi tám vị Yoginī trong mạn đà la của mình. Tất cả di vật này hiện được lưu giữ trong các bảo tàng trên khắp thế giới hoặc đã được bán đấu giá cho các nhà sưu tập tư nhân. Theo Sharrock, vẻ tao nhã nổi bật của mỗi bức tượng, cũng như sử dụng các kỹ thuật đúc tinh vi và phức tạp, cho thấy rằng chúng được tạo ra để phục vụ cho các nghi lễ hoàng gia.
Ngoài các tượng đồng Hevajra, cũng có một số pho bằng đá, một bức tượng quan trọng là pho Hevajra bán thân tại Bảo tàng Metropolitan tại New York, ban đầu là một bức tượng cao ba mét. Bức tượng bán thân bị vỡ được tìm thấy gần Cổng Đại phía Đông của Angkor Thom – cung điện của Jayavarman VII. Gần đây hơn, ở trong rừng, người ta cũng tìm thấy đôi chân trong tư thế nhảy múa truyền thống của các bức tượng Hevajra khác cùng thời. Đây là một trong những bức tượng lớn nhất của cuối thời kỳ Angkor, cũng là điểm cho thấy sự nổi bật của Hevarja trong triều đại của Jayavarman.
Tại Bantéay Chmàr: Bức điêu khắc đá Hevajra với những thanh kiếm phía trên cổng
Sharrock tin rằng hình chạm khắc trên phần đá ngang phía trên một cánh cửa của Bantéay Chmàr chính là Hevajra, trong đó ngài cầm hai thanh kiếm bản rộng, bốn thanh kiếm cong, và có lẽ là ba con dao găm ở chín trong số 10 tay phải. (Phần bên trái của cổng bị khuyết mất). Đây được cho là ngôi đền gắn liền với các cuộc chiến, vì có nhiều bức chạm khắc kỷ niệm nhà vua và em trai của mình được bảo vệ khỏi cái chết và sự phản bội.
Người ta cho rằng Vua đã sử dụng hình tướng mang vũ khí của Hevajra vì lý do này. Một yếu tố khác khiến Sharrock tin rằng hình ảnh trên là Hevajra là do có một hình ảnh của Hevajra đang nhìn chằm chằm vào thần Shiva một cách dữ dội trong cùng một phần đá phía trên cổng ở nơi khác.
Trước triều đại Jayavarman VII, đã có 350 năm các vịvua đều tôn thờ thần Shiva, kể cả vị vua ngay trước đó, người đã giết người thân của Jayarman để cướp ngôi. Người ta cho rằng phần đá phía trên cổng của khắc hình Hevajra và Shiva này cũng là biểu tượng của Jayavarman VII thay đổi quốc giáo thành Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa thay vì Hindu giáo.
Bản văn nghi lễ có tên gọi Lễ thánh hóa Hevajra (Hevajrasekaprakiyā)
Không có bản văn Cực Hỷ Kim Cương (Hevajra) hay bất kỳ bản văn Kim Cương thừa nào còn sót lại ở Campuchia, chỉ có những bản khắc trên đá còn tồn tại cho đến ngày nay. Dựa trên những thông tin có thể tìm được, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một bản văn nghi lễ có tên gọi là Hevajrasekaprakiyā có thể đã từng được các hành giả thực hành Hevajra ở Campuchia sử dụng vào thời điểm đó. Bản văn này được cho là có thể đến từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Có một văn bản lá bối bằng tiếng Phạn có tựa đề “Lễ thánh hóa Hevajra” (hevajrasekaprakiyā) được chụp năm 1914 bởi Henri Maspero tại chùa P’ou-ngan, Trung Quốc và đã được dịch sang Tiếng Pháp bởi Louis Finot năm 1934.
Tu sĩ chùa P’ou-ngan nói với Maspero rằng bản văn này đã được tu sĩ Pao-tchang mang đến từ Ấn Độ cùng với các bản văn Mật điển khác vào năm 1057. Dựa trên nghiên cứu của mình, Finot tin rằng bản văn này đến từ Bengal thế kỷ 11. Đây cũng là thời gian và địa điểm mà Đại Thành Tựu giả Naropa đang sinh sống tại Ấn Độ. Ngài đã truyền lại truyền thừa Hevajra cho Đại Dịch Giả Marpa, Đức Marpa đã truyền bá đến Tây Tạng, nơi pháp hành này được thực hành không gián đoạn kể từ đó.
Một văn bản tương tự đã được truyền đến đảo Java của Indonesia. Đánh giá những điểm tương đồng trong hình tướng Hevajra từ Indonesia và Campuchia và biết rằng sự giao thương từ cả Trung Quốc và Ấn Độ đã lan khắp Đông Nam Á, người ta cho rằng có lẽ bản văn này cũng có thể đã được đưa từ Java đến Campuchia trong thời gian đó.
Vai trò của Nữ giới trong thực hành Hevajra ở Campuchia
Ngoài những phỏng đoán mang tính giáo dục, chúng tôi không có bằng chứng nào về những phần nào trong Mật điển Hevajra mà người Khme đã chọn cho phù hợp với các nghi lễ Hevajra của mình.
Một trong những điều rõ ràng và sự khác biệt đáng chú ý nhất từ các truyền thừa Tây Tạng và Ấn Độ là không hề có hình ảnh của Hevajra cùng với vị phối ngẫu Nairatmya ở Campuchia. Mặc dù thiếu khía cạnh Phật Mẫu của Hevajra trong các pho tượng và hình ảnh, vai trò của tính nữ trong Kim Cương thừa của người Khmer vẫn rất nổi bật. Các thiên nữ nhảy múa, đeo vòng hoa với 5 bảo trang (phẩm vật trang trí tượng trưng trong Kim Cương thừa) được chú trọng hàng đầu tại các lối vào đền Bayon và trong các sảnh lớn được xây dựng thêm vào các ngôi đền Phật giáo ở Angkor sau đó, bao gồm cả Bantéay Chmàr, thể hiện một nữ nhân hết sức nhiệt huyết tham gia vào các nghi lễ. Chau Ju-kua, một Thương nhân Hàng hải Trung Quốc tại Canton, năm 1225, đã ghi lại những gì ông đã nghe được đang diễn ra trong các ngôi đền của Jayavarman:
“Người dân [ở Chen-la, tức Campuchia] là những Phật tử thuần thành. Trong các ngôi chùa có 300 nữ nhân nước ngoài; họ nhảy múa và dâng cúng thức ăn lên Đức Phật. Họ được gọi là anan … [Skt. ānanda (phúc lạc)] ”
Các ngôi đền do Jayavarman VII xây dựng đều được bao quanh bởi hình chạm khắc hàng ngàn nữ nhân đang nhảy múa. Một số nữ nhân đó là các yogini Kim Cương thừa và một số là các Apsaras (các nữ thần nhảy múa và bay lượn phổ biến trong các ngôi đền Hindu).
Có một vài đặc điểm đáng chú ý để có thể phân biệt được họ. Các tư thế nhảy múa của các yogini trông giống như tám yoginī đứng xung quanh Hevajra trong mạn đà la đồng trong hình ảnh trên đây. Ngoài ra, nhiều yogini nhảy múa trên các ngôi đền của Jayavarman VII thường có 3 con mắt, 5 bảo trang của Kim Cương thừa, và nhảy múa trong tư thế giống như Hevajra trên xác chết hoặc hoa sen.
Những hình chạm khắc yogini này cũng khác với apsara ở chỗ đôi mắt của yogini rất dữ tợn, nhìn thẳng về phía trước thay vì nhìn xuống một cách phục tùng. Phần lớn các hình chạm khắc yogini này được thêm vào ngôi đền vào thời kì sau trong thời gian cai trị của Jayavarman khi sự chú trọng của Vua chuyển sang thực hành Kim Cương thừa và Hevajra.
Giai đoạn sau trong thời kì cai trị của Jayavarman, hình ảnh các Yogini nhảy múa đã được hàng nghìn thợ điêu khắc chạm trổ vào các xà ngang và cột của các lễ đường rộng lớn có mái che – vốn là các lễ đường mới được Jayavarman xây thêm vào các ngôi đền trước đó của Angkor như Pra Khan, Tà Prohm và Bantéay Kdei. Sảnh đường lớn nhất trong số đó phải kể đến sảnh đường Yoginī có kích thước 35m x 15m, ở Bantéay Chmar – nơi có tảng đá bắc ngang chạm khắc hình Hevajra.
Những sảnh đường mới này là khoảng không gian linh thiêng liêng có mái che lớn nhất ở Campuchia cổ đại. Người ta đoán rằng chúng đã được sử dụng cho các lễ truyền pháp lớn, những điệu nhảy trong Mật thừa và các thực hành Kim Cương thừa khác.
Hàng chục hình pháp loa (ốc xà cừ), chẳng hạn như hình pháp loa bên phải phía trên, vẫn còn đến ngày nay, có hình ảnh của Hevajra và các Yoginī. Người ta cũng tìm thấy nhiều bộ chuông chày, và các vật phẩm nghi lễ Kim Cương thừa khác, đủ để tổ chức các buổi lễ và quán đảnh Hevajra quy mô lớn.
Như chúng ta đã thấy từ các bằng chứng ở trên, rõ ràng Vua Jayavarman VII và đế chế Khmer là một phần tốt đẹp của lịch sử thế kỷ 12-13, một vương quốc Kim Cương thừa nơi truyền thừa Hevajra phát triển mạnh mẽ. Như Peter D. Sharrock tómtắt:
Số lượng lớn các yoginī ở các lối vào đền Bayon, cùng với một số lượng lớn các mạn đà la Hevajra bằng đồng, chất lượng cao được sử dụng riêng cho thực hành Hevajra, và những thay đổi cấu trúc cuối cùng của đền Bayon và các ngôi đền khác được đánh dấu bằng biểu tượng yoginī, tạo thành một nền tảng tổng hợp và vững chắc về lập luận rằng sự cân bằng đã dịch chuyển sang xu hướng thờ cúng Hevajra một cách rộng rãi và phù hợp nửa sau của triều đại củaJayavarman.
Điều gì đã xảy ra với Thực hành Hevajra ở Campuchia?
Thật không may, không có nhiều thông tin còn được lưu trữ từ thời Jayavarman VII. Người ta tin rằng, sau thời Vua Jayavarman VII, các vị vua của Campuchia chủ yếu theo Phật giáo Nguyên Thủy và Hindu. Nhiều vị vua trong số này đã nỗ lực xóa bỏ và làm suy yếu danh tiếng lẫy lừng của Jayavarman một cách có hệ thống và khẳng định quyền cai trị của mình bằng cách phá hủy các di sản của Jayavarman. Hàng ngàn hình điêu khắc Đại thừa (ước tính là 45.000) đã bị đục khoét khỏi những ngôi đền của Vua Jayavarman VII, rất có thể là do hành động của Bà La Môn giáo dưới thời Vua Saiva Jayavarma-parmesvara. Vị vua này, năm 1327, đã dựng lên biểu tượng śivalinga trong đền Bayon và biến nó thành nơi thực hiện các nghi lễ Bà La Môn giáo. Giờ đây, hầu hết những gì còn sót lại từ thời đó đã bị đội quân Khmer Đỏ phá hủy trong cuộc nội chiến, hoặc bị bán ra thị trường quốc tế. Nhiều bức tượng và hình ảnh Phật giáo mà tôi nhìn thấy và chụp lại được trong chuyến viếng thăm những ngôi đền này lần đầu tiên vào năm 2006 đã không còn ở đó vào năm2015.
Sau thời của Vua Jayavarman VII, chúng ta chỉ có thể đoán được số phận của truyền thừa và thực hành Hevajra ở Campuchia. Tuy nhiên, nhận thấy rằng người dân Campuchia hiện đại biết rất ít hoặc gần như hoàn toàn không biết về vai trò của Kim Cương thừa trong lịch sử của mình, thật dễ dàng phỏng đoán rằng, nó đã hoàn toàn bị xóa sổ trong nhiều thế kỷ sau thời JayavarmanVII.
Thực hành Hevajra ở Campuchia thời hiện đại
Ngày nay, dường như không còn ai ở Campuchia biết gì về Kim Cương thừa hay thực hành Hevajra, ngay cả các tu sĩ sống trong các ngôi chùa nơi người ta tin rằng truyền thống Hevjra đã từng được thực hành. Tôi đã có cơ hội sống ở Campuchia trong một năm(2014-2015).
Vừa hành nghề y, vừa làm việc để góp phần bảo tồn truyền thống Y học và thực hành tâm linh của Campuchia, tôi đã quen với một tu sĩ được kính trọng trong tu viện ở Angkor Thom (cung điện và đền chính của Jayavarman VII). Vị tu sĩ này đã nhiều năm nghiên cứu một số truyền thừa còn tồn tại cuối cùng của Phật giáo mật truyền và shaman giáo của Campuchia, và cũng là một tu sĩ Nguyên Thủy thừa lâu năm.
Khi tôi cho vị tu sĩ xem bức ảnh của một Hevajra ở Campuchia từ Angkor Thom, và vị đó nghĩ đây là thần Shiva. Tôi cho một số sinh viên khác xem những hình ảnh tương tự về lịch sử, tôn giáo và truyền thống tâm linh của Campuchia và tất cả họ đều nghĩ Hevajra là Shiva hoặc Vishnu. Họ không thể nhận ra bất kỳ bức tượng Kim Cương thừa và Đại thừa nào mà tôi đã giới thiệu cho họ, hầu hết là nhầm lẫn với các vị thần và nữ thần của Ấn Độ giáo.
Trên đây là hình ảnh một hình xăm bảo vệ truyền thống bắt nguồn từ một truyền thừa thiền định bí mật của Phật giáo và Hindu giáo và những người thực hành tà giáo. Tất cả các vị thầy của các truyền thừa mà tôi đã từng làm việc cùng đều nghĩ rằng đó là hình ảnh của Vishnu. Các hành giả này tham gia các khóa thiền trên núi, tụng các câu thần chú (Hindu giáo và Phật giáo), sử dụng các hình tượng và số học yantra trong các bùa hộ mệnh và hình xăm, và ban cho nhiều loại phước lành bảo vệ cũng như các nghi lễ khác nhau để có được quyền lực, sự cuốn hút, và những gì liên quan đến tâm linh. Không ai trong số các hành giả này biết về lịch sử Kim Cương thừa và Đại thừa của họ.
Theo lời kể của một nữ tu sĩ Phật giáo lâu năm mà tôi đã học thiền Nguyên Thủy, rất ít tu sĩ tiếp tục thực hành thiền nữa ở Campuchia. Giống như nhiều tu sĩ Phật giáo hiện đại trên khắp thế giới, họ chủ yếu tụng kinh, cử hành các nghi lễ cầu siêu và cầu an. Người ta kể với tôi rằng động lực chính để trở thành tu sĩ ở Campuchia là do sự nghèo đói sau chiến tranh, là có được các khoản cúng dường và để có thực phẩm và nhà ở ổn định.
Nó thể do phần lớn các tu sĩ đã bị giết trong cuộc nội chiến, hoặc phải trốn khỏi đất nước để giữ mạng sống nên các truyền thống thiền định và tu viện của họ vẫn còn sự đau khổ.
Đất nước và Con người Campuchia: Đau khổ cùng cực trong quá khứ và hiện tại
Rất nhiều người dân Campuchia đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ, và họ đã phải trải qua những khoảng thời gian khủng khiếp như vậy trong quá khứ. Lịch sử của họ với chủ nghĩa cộng sản và nạn diệt chủng khá tương đồng với Tây Tạng, và giống như Tây Tạng, họ vẫn đang phải chịu sự đàn áp trong thực hành tôn giáo. Hầu như tất cả những người tôi gặp ở đó khi tôi đang hành nghề y đều gặp vấn đề với khủng bố và quỷ ma. Mọi người đều có những người quen từng bị giết và bị tra tấn. Nhiều người bị đói, bệnh tật và phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ. Nạn buôn người và nô lệ khá phổ biến. Ngày nay, không có nhiều giáo Pháp nâng đỡ cho họ. Trong những chuyến khám phá, tôi chỉ nghe đến một vài tăng sĩ dạy thiền cho người dân Campuchia. Tôi đã không thực sự hiểu được sự vô thường của Chánh Pháp cho đến khi tôi ở trong những ngôi đền tại Angkor, nơi từng là vương quốc của Kim Cương Thừa và nhìn thấy nơi họ từng thực hành Cực Hỷ Kim Cương (Hevajra), giờ đây, tất cả chỉ còn là một đống đổ nát.
Người nắm giữ truyền thừa Drikung Kagyu, H.H. Drikung Kyabgon Rinpoche đã nỗ lực không mệt mỏi để phục hưng dòng thực hành Hevajra. Ngài làm vậy với mục đích rõ ràng là mang lại Giáo pháp thâm sâu nhất này tới Đông Nam Á. Tôi hòa ước nguyện của mình với của Ngài với mong nguyện rằng trong thời đại đau khổ cùng cực này, khi con đường nhanh chóng của Kim Cương thừa là cần thiết nhất, dòng truyền thừa và sự gia trì của Hevajra có thể tái sinh và phát triển mạnh mẽ ở Campuchia và Đông Nam Á.
Được viết bởi Konchog Tsering Dhondrub (Spencer Ames) vào ngày kỷ niệm Đạo sư Hevajra vĩ đại, Đại dịch giả Marpa (19/02/19). Spencer là đệ tử của Đức Garchen Rinpoche và Đức Drikung Kyabgon Rinpoche. Hiện anh đang sống với vợ và con mèo của mình ở Andover, MA, nơi anh làm việc như một bác sĩ châm cứu và bác sĩ Y khoa chức năng.